728x90 AdSpace

Hot

Việt Nam lên tiếng về việc Indonesia dự định khởi kiện Trung Quốc

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam về “quan điểm và phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Singapore cho rằng Trung Quốc có chủ quyền từ lâu đời đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam?”, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết:
Việt Nam lên tiếng về việc Indonesia dự định khởi kiện Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình
“Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có những lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới”.

Ngày 7-11, trong chuyến thăm Singapore (ngay sau khi vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam), phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore, ông Tập Cận Bình nói những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa và cho rằng những hòn đảo "của Trung Quốc” trên Biển Đông đang bị các quốc gia láng giềng chiếm đóng. Ông Tập cũng nói rằng những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên Biển Đông là nhằm mục đích hòa bình.

Cũng tại buổi họp báo này, trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận và quan điểm của Việt Nam liên quan đến việc Indonesia cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa hình sự quốc tế ICC khi không thể giải quyết yêu sách của mình về chủ quyền ở Biển Đông thông qua đối thoại. Việt Nam có dự định sử dụng các biện pháp pháp lý đối với Trung Quốc hay không?

Ông Lê Hải Bình cho biết: "Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi vấn đề ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Chúng tôi cho rằng các quốc gia có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình và phù hợp để giải quyết các tranh chấp quốc tế có liên quan đến mình".

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa qua đề nghị Philippines không đưa vấn đề biển Đông ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tuần tới, ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định lại quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được đưa ra hôm 31/10/2015. Tuyên bố khẳng định:

"Trước hết, tôi xin khẳng định một lần nữa chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là quốc gia ven biển ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước.

Liên quan đến vụ kiện của Philippines, Việt Nam đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình, đặc biệt là trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài ngày 05/12/2014. Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông".

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thêm quan điểm của Việt Nam được nêu trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài ngày 05/12/2014, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:

"Tôi xin tóm tắt các quan điểm chính của Việt Nam đã nêu trong Tuyên bố đó, như sau:

Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình.

Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.

Việt Nam mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.

Việt Nam đề nghị Toà đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia".

Theo infonet.vn