728x90 AdSpace

Hot

Trực tiếp: Phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ tại Quốc hội

Sở dĩ nói “chưa từng có tiền lệ’ bởi từ trước tới nay, Quốc hội xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để trả lời. Tuy nhiên do đây là kỳ họp gần cuối khoá XIII, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 được tiến hành với cách thức mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề.

Sáng nay (16/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong phiên chất vấn: “Mục đích của phiên họp toàn thể này là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện thế nào, tốt chưa, qua đấy thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương thiết thực phục vụ yêu cầu của đồng bào, cử tri chưa”.

“Đây là phiên họp được đồng bào, cử tri chờ đợi, là dịp nhìn lại cả nhiệm kỳ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trực tiếp: Phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ tại Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu chất vấn đi thẳng vào vấn đề để cùng thảo luận, giải quyết những vấn đề nêu ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.

Sau thời gian trình bày các báo cáo, việc thảo luận và chất vấn về các nội dung liên quan được tiến hành kết hợp, không theo nhóm vấn đề.

Nợ công tăng nhanh

Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá điện, xăng, dầu, than, dịch vụ y tế gắn với phục vụ hộ nghèo.

Chính phủ chỉ sử dụng nợ công cho đầu tư phát triển. Các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia, nợ nước ngoài trong giới hạn. Chính phủ cũng giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn, tăng cường kiểm tra thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Thất thoát, lãng phí bị xử lý nghiêm.
Trực tiếp: Phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ tại Quốc hội
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Phúc cho hay, cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, chi thường xuyên lớn. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Quản lý sử dụng ngân sách ở một số bộ ngành còn thất thu, còn tình trạng trốn, nợ thuế.

Trong lĩnh vực nội vụ, Chính phủ quản lý chặt chẽ biên chế công chức kể cả biên chế dự phòng. Dù vậy, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tinh giản biên chế còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà​; xây dựng chính phủ điện tử còn chậm.

"Tổng số cán bộ cấp thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ. Việc tăng số lượng cấp phó một số đơn vị, bộ ngành chủ yếu do sắp xếp, quy hoạch cán bộ. Trong quá trình luật Tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, số lượng cấp phó sẽ giảm”, Phó thủ tướng khẳng định.

Trong lĩnh vực thanh tra, vẫn còn xảy ra khiếu kiện đông người liên quan tới đất đai, môi trường​; thu hồi tài sản tham nhũng tuy có khá hơn nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp.

10h30 bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung này kéo dài tới hết ngày 18/11. Có 65 đại biểu đăng ký chất vấn.

Đại biểu Tô Văn Tám nêu ra 3 nhóm vấn đề, trong đó có nêu vấn đề về việc bồi thường, tái định cư cho người dân ở các công trình thủy điện. Nhiều nơi đất sản xuất ở xa, không đảm bảo lâu dài, không đem lại hiệu quả sản xuất, khó đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Ở Miền núi Tây Nguyên, thường là nơi sản xuất tốt nay ngăn dòng làm thủy điện do vậy dân bỏ nơi tái định cư về nơi ở cũ. Vì thế, không chỉ đặt ra vấn đề đủ diện tích mà cần nhìn nhận lại để bổ sung các quy định về tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.

Tích hợp môn Lịch sử khiến đại biểu Quốc hội lo lắng

Đại biểu Lê Văn Lai (đoàn đại biểu Quốc hội Qảng Nam) quan tâm đặc biệt tới vấn đề đổi mới chương trình sách giáo khoa.

"Nhân ngày 20/11, tôi xin gửi lời chúc tới Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận. Chúc Bộ trưởng và gia đình sức khỏe và đặc biệt không có những sai sót trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa", đại biểu Lai nói.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, gần đây dư luận xã hội xôn xao với việc thay đổi cách dạy và học môn lịch sử. Trước sự phản ánh của xã hội, Bộ trưởng hãy nêu quan điểm của mình.

Sai lầm về phương pháp dẫn đến sai lầm về kiến thức. Và sai lầm trong giáo dục thì không có chỗ cho sự khắc phục. Nhân dân đánh giá cao Bộ GD&ĐT với khối lượng công việc lớn trong việc cải cách giáo dục. Tuy nhiên, những thay đổi này cần thận trọng.

Chiều nay Bộ GD&ĐT sẽ trả lời chất vấn về vấn đề này. Tuy nhiên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vắng mặt và Thứ trưởng sẽ trả lời.

11h30 Quốc hội nghỉ trưa.

Theo nguoiduatin.vn