728x90 AdSpace

Hot

Mali- điểm nóng khủng bố ở Tây Phi

Mali bị đe dọa bởi các nhóm vũ trang khác nhau - từ Ansar Dine, có liên kết với Al-Qaeda ở khu vực Hồi giáo Maghreb (AQIM), cho đến nhóm phiến quân ly khai Touareg. Tình trạng vô luật pháp ở Libya sau khi Đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011 khiến vũ khí nguy hiểm trôi nổi trên toàn khu vực Sahel của Bắc Phi. Số vũ khí này rơi vào tay các nhóm đó và thúc đẩy tình trạng bất ổn trong khu vực.
Mali- điểm nóng khủng bố ở Tây Phi
Năm 2012 cuộc nổi dậy Touareg khiến một số phe phái quân đội vào cuộc, làm dấy lên cuộc nội chiến tại Mali. Các nhóm thánh chiến lợi dụng tình hình và nắm quyền kiểm soát phía bắc, áp đặt luật Hồi giáo nghiêm ngặt. Việc Pháp can thiệp quân sự giúp đẩy lùi phiến quân và giành lại phần lớn phía bắc Mali. Nhưng phiến quân vẫn đang hoạt động và thực hiện nhiều cuộc tấn công trên toàn quốc.

Các nhóm phiến quân chính

Nhóm nổi bật nhất là Ansar Dine, do Iyad Ghaly làm thủ lĩnh. Nhóm này liên kết với AQIM và thề sẽ làm mất ổn định khu vực Sahel. Ghaly gần đây kêu gọi tấn công Pháp và các lợi ích của Paris ở Mali. Nhóm áp dụng luật Hồi giáo Sharia ở các thị trấn mà chúng chiếm được trong các cuộc nổi dậy năm 2012, trong đó có thành phố cổ Timbuktu.

Mặt trận Giải phóng Macina (FLM), nhóm thánh chiến mới được biết đến, gần đây nổi lên ở miền trung Mali. Nhóm có liên kết với Ansar Dine và tuần trước tấn công vào một trạm kiểm soát quân sự trong khu vực Djenne, một thị trấn cách thủ đô Bamako 500km về phía đông bắc. Thủ lĩnh FLM kêu gọi tiếp tục tấn công chính phủ. Tuần trước, Mali bắt giữ một trong những nhà tài chính hàng đầu của nhóm trong một hoạt động quân sự được tiến hành ở khu vực miền trung Mopti.

AQIM có tầm hoạt động lớn hơn nhiều, trên khắp Bắc Phi và Sahel, trong đó có Mali. Một trong những nhánh của nó, Al-Murabitoun, cho biết thực hiện tấn công vào một khách sạn ở thị trấn miền trung Sevare hồi tháng 8, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng. Thủ lĩnh Mokhtar Belmokhtar, một phần tử thánh chiến khét tiếng ở Bắc Phi chỉ đạo vụ bao vây một cơ sở sản xuất khí đốt tại Algeria vào tháng 1-2013 khiến ít nhất 37 con tin thiệt mạng.

Boko Haram, nhóm có liên kết với nhóm Hồi giáo IS và có trụ sở tại khu vực Hồ Chad Basin, cũng có liên kết với các nhóm cực đoan Mali, nhận đào tạo và vũ khí từ một số chiến binh thánh chiến ở phía bắc đất nước.

Phối hợp

Tình hình an ninh tại Mali buộc lực lượng quân sự đẩy mạnh các biện pháp chống khủng bố ở phía bắc Bamako. Pháp cũng tham gia vào các hoạt động này. Hiện có 3.000 binh sĩ hoạt động tại Sahel như một phần của hoạt động chống khủng bố có tên Operation Barkhane.

Để đối phó với cuộc tấn công mới nhất ở Bamako, Pháp cũng triển khai các đơn vị đặc biệt đến Bamako, trong đó có Nhóm Can thiệp Hiến binh quốc gia (GIGN) tham gia vào việc chống lại các cuộc tấn công gần đây ở Paris. Các nước láng giềng của Mali như Burkina Faso và Bờ Biển Ngà quan ngại về sự lây lan của phiến quân thánh chiến đồng thời đẩy mạnh các hoạt động an ninh trên khu vực biên giới.

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố. Ông Keita cũng đả kích những kẻ gây ra vụ bắt cóc con tin đồng thời khẳng định Mali không phải là khu vực đóng và hiện nay không đâu trên thế giới chúng ta lại có thể tránh được khủng bố. Ông kêu gọi cần phải cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố.

Theo BBC