728x90 AdSpace

Hot

Trại heo gây ô nhiễm, giờ mới sớm kiểm tra

Rác thải, nước thải và khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn xả thẳng ra môi trường, khiến cho không khí, nguồn nước sinh hoạt nơi đây bị ô nhiễm. Đó là những thực tại mà hàng trăm hộ dân sinh sống ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh phải gánh chịu. Dù người dân đã nhiều lần có kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay chưa có gì nhúc nhích. Vì sao?
Trại heo gây ô nhiễm, giờ mới sớm kiểm tra
Một trại chăn nuôi đã được di dời do gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm từ không khí đến nguồn nước

Một ngày cuối tháng 11/2015, đi dọc rạch Cầu Suối (nối 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B) chúng tôi không thể chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc từ phân heo, thức ăn dư thừa từ các trại heo tỏa ra. Không chỉ ô nhiễm về không khí, các trại heo tại đây còn ô nhiễm nặng về nguồn nước. Mặt kênh nhiều đoạn bị phủ kín bởi đủ thứ rác thải, bã thức ăn dư thừa, phân heo, thậm chí xác heo con chết đều bị các chủ trại heo xả thẳng ra rạch khiến nước rạch luôn đen ngòm, nổi bọt. Nước kênh đen đặc ứ đọng, nhiều đoạn còn bị tắc nghẽn do phân heo xả ra quá nhiều, ruồi nhặng bu đen. Ban ngày, nhưng nhiều nhà dân sống trên hai bên bờ kênh phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi và ruồi nhặng “tấn công”.

Chỉ cho chúng tôi căn nhà khang trang một trệt một lầu đang khóa cửa, ông Nguyễn Văn Ba (68 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B) than thở: “Có nhà nhưng không ở được. Nhiều năm qua, vợ chồng tôi đóng kín cửa để sang nhà các con ở vì không thể hít thở không khí ô nhiễm ở đây”.

Được biết, hiện các trang trại chăn nuôi lợn ngoài hầm biogas và tường rào bao quanh khuôn viên trang trại, nước thải xả trực tiếp ra kênh mương có màu đen kịt, sủi bọt chạy dài hàng cây số theo rạch nước và bốc lên mùi hôi thối nồng nặc.

Theo ông Ba, rạch Cầu Suối trước đây là kênh thủy lợi phục vụ việc tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2000, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, người dân vãng lai đến mua, thuê đất nông nghiệp xây nhà ở, làm chuồng trại. Cùng với đó, rạch ngày càng ô nhiễm nặng mà nguyên nhân chính cũng từ các chủ trại nuôi heo tuồn thẳng phân, thức ăn thừa xuống kênh.

Bà Huỳnh Thị Tâm (54 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) bức xúc cho biết: “Trong suốt thời gian qua chúng tôi luôn phải sống trong khổ sở vì nước thải và mùi hôi từ trang trại nuôi lợn bay về. Nhà thì luôn phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm nhất là mùa nắng nóng. Tại đây, mọi người dân hầu như đều mắc các căn bệnh về hô hấp, viêm xoang, viêm da, bị nhiều nhất ở người già và trẻ em. Không ít hộ ở đây phải bán vườn, bán đất đi nơi khác ở, để tránh nguy hại đến sức khỏe. Đáng trách nhất là khi bà con trong xóm đến góp ý, chủ trại heo còn lớn tiếng, thách thức”.

Được biết, trên địa bàn 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có tất cả 50 trại chăn nuôi heo với số lượng hàng ngàn con. Phần đông các hộ trên đều là dân vãng lai thuê đất của người dân địa phương với mục đích xây dựng kinh tế trang trại. Vì vậy, bên trong khu dân cư của xã Vĩnh Lộc B, hàng trăm hộ dân phải sống chung với ô nhiễm từ 2 trại heo của ông Từ Văn Vinh và bà Dương Thị Hơn.

Ngoài 2 trại heo trên, còn có hàng chục trại heo khác nằm xen lẫn trong các khu dân cư (mỗi trại có khoảng 200 con) cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân rất nhiều lần phản ánh tình trạng này đến xã, huyện, sau đó cán bộ có xuống kiểm tra, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm cũng không tiến triển thậm chí còn ảnh hưởng nặng hơn. Ngoài mùi hôi, đáng lo ngại nhất là nguồn nước bị ô nhiễm, vì cư dân ở đây chủ yếu vẫn dùng nước giếng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước sinh hoạt ở 2 địa phương là vấn đề bức xúc từ trước đến nay, mặc dù sống tại TP Hồ Chí Minh nhưng phần đông người dân vẫn chưa có nước máy, nước sạch để dùng nên phải đào giếng. Tuy nhiên, từ khi giếng nước bị ô nhiễm, hơn chục hộ dân xung quanh phải mua nước bình về dùng.

Cuối tháng 3/2016 sẽ chấm dứt tình trạng này?

Thống kê đến ngày 13/10 của Trạm thú y huyện Bình Chánh, tổng số lượng heo ở các trại heo tại Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B là 5.546 con. Thực trạng ô nhiễm môi trường đang đòi hỏi chính quyền địa phương phải khẩn trương chấm dứt tình trạng hàng loạt trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm, bởi chăn nuôi với quy mô lớn ngay trong khu dân cư mà không đảm bảo vệ sinh không thể cho phép tồn tại.

Ngày 24/11, mang bức xúc của người dân đặt lên bàn của lãnh đạo 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, lãnh đạo 2 xã xác nhận đúng là các trại heo trên địa bàn đã làm ô nhiễm về không khí và nguồn nước. UBND 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đã rà soát, thống kê số lượng các trại heo, mức độ tác động về môi trường để kiến nghị UBND huyện Bình Chánh có giải pháp xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Minh Hiền - Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B cho biết: "Hiện tại địa phương đã rà soát, thống kê số lượng các trại heo, đồng thời tiếp tục vận động các chủ trại chăn nuôi di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư hoặc vận động chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thời điểm hiện tại. Nếu chủ trại nào vẫn vi phạm thì sẽ vận động chủ đất lấy lại phần đất đã cho thuê. Đồng thời, đối với các chủ trại nuôi sẽ bắt buộc trang bị hầm biogas để xử lý nước thải. Nếu hộ nào chăn nuôi mà không đảm bảo vệ sinh môi trường thì sẽ kiên quyết xử phạt nặng".

Ông Võ Văn Quận, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, việc nuôi heo gây ô nhiễm môi trường huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị  gồm: Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Trạm Thú y, Hội Nông dân, Công an huyện… sớm tiến hành kiểm tra để có hướng giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, chậm nhất đến cuối tháng 3/2016.

Điều đáng nói là sự việc đã diễn ra từ năm 2000, nhưng đến giờ lãnh đạo mới “sớm tiến hành kiểm tra” để giải quyết. Liệu cuối tháng 3/2016 có xong không, khi mà phản ánh của dân mấy năm nay chỉ chuyển động lề mề bằng những thống kê trên văn bản. Thiết nghĩ cần một động thái quyết liệt hơn từ phía lãnh đạo cấp trên thì may ra qua Tết, dân nơi đây mới được nhờ.

Theo thanhtra.com.vn