728x90 AdSpace

Hot

Trở thành viên chức giáo dục - Như đi qua khe cửa hẹp

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 50.000 sinh viên sư phạm ra trường trong khi nhu cầu sử dụng chỉ cần khoảng 40.000 người. Điều đó đồng nghĩa với hơn 10.000 giáo viên bị thừa ra. Biên chế Nhà nước không tăng, thậm chí ở nhiều địa phương còn liên tục giảm, do đó việc bỏ ra một khoản tiền để có vị trí tại các trường công được coi là giải pháp an toàn, ổn định. Tâm lý này của các sinh viên sư phạm mới ra trường đã góp phần làm gia tăng tiêu cực vốn bén rễ trong khâu tuyển dụng ở nhiều địa phương. Đây cũng là chủ đề được đưa ra bàn luận trong chương trình Vấn đề hôm nay (25/11) với sự tham gia của nhà báo Nguyễn Thu Trang - tác giả loạt bài viết về “cò” viên chức lộng hành ở Thủ đô đăng trên báo Phụ nữ TP.HCM.
Trở thành viên chức giáo dục - Như đi qua khe cửa hẹp
Nhà báo Trần Thu Trang
Trong chương trình, đề cập tới nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nhiều giáo viên tìm đủ mọi cách để vào biên chế Nhà nước, nhà báo Nguyễn Thu Trang chia sẻ: “Tôi cho rằng hiện tượng này đến từ sự bất cập do công tác đào tạo và nhu cầu sử dụng không cân xứng với nhau. Đào tạo quá nhiều nhưng nhu cầu giáo viên thì chỉ có mức độ khiến họ buộc phải chạy đua để có một suất vào biên chế.

Một nguyên nhân khác có lẽ là do các giáo viên thường nghĩ tới sự ổn định trong khu vực hành chính công. Họ luôn có khát khao được làm việc trong cơ quan Nhà nước. Rất nhiều người tìm đủ mọi cách vào biên chế để hưởng chế độ, bất chấp việc chạy vài trăm triệu và phải mất nhiều năm để thu hồi vốn, thậm chí còn có những người chưa kịp thu hồi vốn đã bị hất ra".

Song song với đó, theo nhà báo Thu Trang, về phía những đơn vị có thẩm quyền ra quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục hiện vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Điều đó phần nào khiến những hiện tượng bất cập trong tuyển dụng giáo dục chưa được giải quyết triệt để thời gian qua.

“Giáo viên và những người công tác hành chính công bị vướng phải rào càn là văn hóa nhiệm kỳ, cụ thể như các trường hợp tôi làm trước đây, trước khi một ông sếp cao nhất của huyện về hưu, hàng ngàn người sẽ được kí hợp đồng, mỗi suất có giá trị gần 100 triệu, còn cụ thể có bao nhiêu trường hợp thì không rõ. Đây là một thực tế không còn bí mật, nó được công khai và ai cũng biết. Sau khi ông sếp về hưu, số phận của những người được ký hợp đồng cũng bấp bênh theo. Hiện tượng này đang gây ức chế, bất cập cho mọi người", nhà báo Thu Trang cho biết.

Nguồn vtv.vn