728x90 AdSpace

Hot

Thấy gì từ sóng đầu tư Thái Lan?

Trong báo cáo mới nhất, nhóm nghiên cứu MAF cho rằng, xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam giai đoạn năm 2015-2016 và sắp tới vẫn hướng vào tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, bất động sản, bán lẻ như hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư từ Thái Lan sẽ đóng vai trò người mua chính.
Hình minh họa
Đón đầu cơ hội

Thái Lan có nhiều lý do để đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ có quy mô thị trường rộng lớn, sức tiêu dùng tăng, Việt Nam còn giúp hàng hóa Thái Lan tiếp cận dễ dàng các thị trường khác. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam được áp dụng thuế suất bằng 0%; vì thế, nhiều tổ chức Thái Lan đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội.

Sôi động nhất là ngành bán lẻ, tạo ra kênh phân phối thuận lợi cho hàng Thái Lan. Đầu năm 2015, Central Group chi khoảng 100 triệu USD để sở hữu 49% vốn điều lệ của Nguyễn Kim và không giấu giếm tham vọng biến hệ thống này trở thành chuỗi điện máy hàng đầu Đông Nam Á. Dự kiến đến năm 2019, Central Group thành lập 50 siêu thị Nguyễn Kim, gấp đôi số cửa hàng hiện tại. Trước đó, Central Group đã thiết lập chuỗi bán lẻ cao cấp Robins tại Việt Nam.

Tập đoàn Berli Jucker (BJC), của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, tạo chấn động không kém khi quyết định mua Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 879 triệu USD. Trước đó, BJC từng mua chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’s mart và âm thầm mua 65% cổ phần tại Phú Thái. Ông chủ của BJC còn đóng vai trò lớn trong cả ngành đồ uống, khi đồng thời sở hữu Tập đoàn ThaiBev. Sau khi giành được quyền kiểm soát tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore là Fraser&Neave (F&N), ThaiBev gián tiếp trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất tại Vinamilk, tiếp tục gia tăng đầu tư vào công ty sữa này và từng ngỏ ý muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.

Siam Cement Group (SCG) đã tiến hành hơn 20 thương vụ M&A trong những năm tháng có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh thương vụ thâu tóm Prime Group trong ngành vật liệu xây dựng lên tới vài trăm triệu USD, SCG còn đầu tư vào nhiều công ty trong ngành nhựa và bao bì, như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Nhựa Bao bì Tín Thành (Batico)... SCG đạt tổng giá trị tài sản tại Việt Nam xấp xỉ 716 triệu USD (cuối tháng 6.2015) và cho biết sẽ dành phần lớn vốn đầu tư thời gian tới (6-8 tỉ USD) cho Việt Nam.

Đặc biệt, trong luồng vốn Thái Lan vào Việt Nam có không ít nhà đầu tư là tỉ phú người Thái gốc Hoa. Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, chủ của ThaiBev, BJC, TCC Holding và ông Dhanin Chearavanont, chủ tịch của C.P Group, là người Thái gốc Quảng Đông (Trung Quốc). Gia tộc Chirathivat, sáng lập Tập đoàn Central Group, có gốc từ Hải Nam.

Chiếm lĩnh âm thầm

Bằng chiến lược đầu tư âm thầm, liên tục, có lộ trình cụ thể và dựa trên sự tương đồng, hiểu biết về văn hóa vùng miền, đến nay, Thái Lan đã thâm nhập khá sâu vào thị trường Việt Nam.

Các ngành mà Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, như hạ tầng, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm, ôtô..., đều là những ngành tiềm năng. Tăng trưởng ngành bán lẻ được dự báo đạt trung bình 15%/năm, có thể đạt tới 97 tỉ USD doanh thu vào năm 2016, theo Economist Intelligence Unit. C.P Việt Nam đang thành công trên thị trường thức ăn chăn nuôi trị giá 6 tỉ USD/năm và thị trường sản phẩm thịt trị giá 18 tỉ USD/năm.

Có tiềm lực tài chính dồi dào, nhà đầu tư Thái Lan mong muốn nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nên ưu tiên rót vốn vào các doanh nghiệp đầu ngành. Sau khi mua lại Prime Group, SCG đã thâu tóm thành công ngành vật liệu xây dựng Việt Nam (giữ 20% thị phần) và trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới (sản lượng 225 triệu m2/năm). Khoản đầu tư vào 2 đơn vị dẫn đầu ngành ống nhựa là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong (chiếm trên 50% thị phần) hứa hẹn giúp SCG tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhựa. Vào tháng 7 vừa qua, SCG tiếp tục rót vốn vào Công ty Bao bì Nhựa Tín Thành, thuộc tốp 5 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất bao bì.

Bên cạnh hình thức M&A, Thái Lan cũng đẩy mạnh luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Sau 27 năm đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, C.P Group đã trở thành tên tuổi dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Công ty Kraft Vina của SCG đang duy trì thị phần dẫn đầu ngành giấy bao bì.

Số liệu 9 tháng đầu năm 2015 từ Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, trong các nước ASEAN, Thái Lan hiện chỉ đứng sau Singapore và Malaysia về vốn FDI tại Việt Nam, với 406 dự án, tương ứng giá trị 7 tỉ USD.

Hàng hóa Thái Lan nhập vào Việt Nam trong 10 tháng qua đạt hơn 6,7 tỉ USD, cao nhất trong khối ASEAN. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, trị giá hàng trăm triệu USD, là xăng dầu, máy móc thiết bị, hàng gia dụng, ôtô, chất dẻo, rau củ quả...

Sự thâm nhập mạnh mẽ vào những ngành chủ chốt của Thái Lan đã khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam lo ngại. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng là người đứng đầu Nhựa Rạng Đông, cho biết, doanh nghiệp Thái Lan ngày càng lấn sâu vào ngành nhựa càng làm tăng áp lực về việc hàng Việt Nam sẽ bị đánh bật và thua ngay trên sân nhà. Sâu xa hơn, kinh tế Việt Nam dễ rơi vào tình trạng lệ thuộc.

Với góc nhìn tích cực, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Robenny, phụ trách khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, sức ép tồn tại sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi trong cách tư duy, vận hành, cải tiến sản phẩm. Điều này có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Theo nhipcaudautu.vn